Saturday, October 14, 2017

ACCA Journey Part 2 - Học tủ hiệu quả hơn

Chào các bạn, hôm nay mình sẽ tiếp tục với series "ACCA Journey" - nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm, thủ thuật, suy nghĩ về chặng đường học ACCA của mình.



Nếu bạn chưa đọc phần một của serie thì có thể đọc tại đây.

Trong trường hợp bạn thích sự đơn giản và không muốn mất quá nhiều thời gian, công sức tìm kiếm tài liệu thì mình gợi ý một set tài liệu đơn giản và dễ tìm nhất như sau:

1. Bộ sách của BPP (bao gồm textbook, revision kit và passcard)
Trong đó quan trọng nhất là revision kit và passcard, textbook theo mình thì không có cũng không sao.
Bộ mới nhất mình tìm thấy trên mạng chỉ áp dụng đến kì thi tháng 6.2017 vừa rồi, bộ sách mới năm nay thì chưa thấy phổ biến trên mạng. Bạn có thể tải về tại đây (mình khuyến khích các bạn nên dùng sách gốc để tôn trọng bản quyền).

2. Tất cả past exam papers của môn bạn đang theo học
Tải về tại trang chủ của ACCA tại đây

3. Một cuốn notes ưng ý
Bạn có thể sử dụng bất kì cuốn note nào bạn thấy ưng ý. Tốt nhất là nên mượn bạn bè đang theo học tại các trung tâm, ở Tp. HCM thì có FTMS, Vietsourcing, Smart Train,.. Recommend cuốn note môn P2 (thầy Billy Ang), F8 (cô gì mình không nhớ tên) của FTMS.
Một cuốn note tốt sẽ giúp bạn hiểu đầy đủ về nội dung chương bạn đang học, tiết kiệm thời gian nhiều hơn so với học trong textbook.

4. Technical articles
Bạn cũng tải trong link của mục 2, trước khi thi tầm một tuần thì copy hết các technical articles của môn bạn đang học mới issue gần đây về rồi in ra, việc đọc articles có thể vừa giúp bạn ôn lại kiến thức cũng như gia tăng tỉ lệ trúng tủ lên một chút.

5. Trang accaexamtips.net
Cũng trước khi thi tầm 1 tuần thì lên trang này, xem họ dự báo những câu nào sẽ ra, xác suất trúng tủ rơi vào khoảng 50/50, theo kinh nghiệm bản thân mình.


Chủ đề hôm nay mình muốn chia sẻ sẽ là cách để bạn "học tủ" hiệu quả hơn mà mình đã áp dụng và thấy hiệu quả với bản thân mình. Bạn không nhất thiết phải đọc từng chữ trong textbook, làm hết từng bài tập trong revision kit. Cách này không phải là cách "thần thánh" giúp bạn học để đậu một môn trong thời gian ngắn (mặc dù thực tế mình có quen những anh chị thực sự có thể tập trung học và pass với thời gian chỉ từ 3 - 5 ngày học thôi).

Phần lớn mọi người đều theo học ACCA khi đã đi làm, áp lực công việc cộng với những việc cá nhân, xã hội khác quan trọng hơn thì sức lực bạn dành cho việc học có thể sẽ không được 100% như ý. Ở đây mình lan man xíu về việc lập kế hoạch cho việc học, trừ những bạn có thể sắp xếp để trước khi thi có thể nghỉ một đến hai tuần để ôn bài, phần còn lại đều chỉ có thể sắp xếp học dần dần trước khi thi cho nên việc lập kế hoạch chi tiết là rất quan trọng. Kinh nghiệm của mình:

- Cần xác định thời gian bạn có thể dành cho việc học từ giờ đến lúc thi là bao nhiêu? Chi tiết theo số lượng giờ càng tốt. Thay vì nói, "mình còn một tháng nữa là sẽ thi" thì hãy nói "mình còn 2 x 30 = 60 giờ nữa là sẽ thi". Có một số môn trước khi thi mình book nghỉ cả tuần để học và mình nghĩ rằng mình có thể dành ít nhất là 12h mỗi ngày cho việc học, tuy nhiên, trong lúc học mình theo dõi thử thì chỉ có khoảng 6 giờ mỗi ngày là mình thật sự tập trung, thời gian còn lại thì bị chi phối bởi những thứ linh tinh khác (check mail, facebook, instagram, youtube,...).

Cách xác định thời gian cần thiết dễ lắm, ví dụ hôm nay mình bắt đầu học môn P5, dự kiến thi ngày 1/12, mỗi ngày mình dự kiến học 2 giờ.


Tuy nhiên, nếu mình chỉ học được 1 giờ mỗi ngày thì kết quả sẽ là:


Lời khuyên của mình là bạn hãy cố gắng nghiêm túc sắp xếp thời gian học sao cho hợp lí nhất. Mình hay dùng một file excel để theo dõi tiến độ của mình để sắp xếp và điều chỉnh giờ học cho phù hợp. Ví dụ như trong hình thì mình đang bị trễ so với tiến độ là một ngày.



Tải file excel ở trên tại đây.

Cách mình giới thiệu với các bạn ngày hôm nay sẽ là học theo "Topic index" và dùng "repetition method" để nhớ lâu hơn. Cụ thể, theo cá nhân mình quan sát và rút ra nhận xét là:

- Đề thi ACCA có thể khác nhau về cách ra đề bài, nhưng cách giải và cách trả lời thì phần nào giống nhau. Nếu bạn làm bài tập và past papers đủ nhiều sẽ dễ dàng phát hiện ra, cho nên, mình cho rằng càng làm được càng nhiều dạng thì tỉ lệ đậu bạn sẽ càng cao (hiển nhiên).

- Sách revision kit của BPP thiết kế có cái không được hay là một câu hỏi bao gồm rất nhiều nội dung từ nhiều chương. Trường hợp bạn làm hết cuốn kit từ trên xuống dưới thì kiến thức bạn học sẽ không được liên tục, không có sự kết nối sẽ rất mau quên.

- Tuy nhiên, mình phát hiện ra, mỗi cuốn bài tập đều có một trang thần thánh tên là "Topic index" (nằm ở những trang đầu cuốn Kit), nơi đó liệt kê tất cả các syllabus topics và các bài tập tương ứng với mỗi topic. Dễ thấy là với mỗi topic thì các bài tập liên quan đến topic đó nằm rải rác trong sách nên việc học hết cuốn Kit từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên sẽ không giúp bạn liên kết các kiến thức lại.




Bây giờ cụ thể mình minh họa cách học của mình bằng hình sau, bao gồm 4 bước:



Mình sẽ minh họa cách này cụ thể hơn bằng môn mình thích nhất là P5 - Performance Measurement.
Đây là trang index của mình và trong quá trình học mình sử dụng trang này rất nhiều nên giờ nó hơi tàn tạ TvT


Bước 1: Học lần lượt/ngẫu nhiên từng topic trong index, làm hết các bài tập liên quan

Ở bước này thì bạn có thể tuần tự học từng topic hoặc chọn bất kì một topic nào cũng được. Ví dụ hôm nay mình ngẫu nhiên chọn học topic Balance scorecard.

Mình chưa biết Balance scorecard là gì nên trước tiên mình sẽ mở textbook ra, những trang cuối cùng sẽ có phần Index (mục lục), tìm Balance scorecard, mình thấy sách sẽ đề cập đến topic này ở trang 471.


Mở trang 471 ra, nhưng mình chưa đọc vội vì dài quá. Trước tiên mình xác định là topic này nằm ở chapter 15, mình sẽ dùng passcard hay notes để đọc nội dung về topic này trước. Nếu hiểu rồi thì mình sẽ làm bài tập luôn, chưa hiểu mình mới xem textbook.

Bây giờ thì mình bắt đầu làm bài tập thôi, sẽ có 5 bài trong cuốn Kit có nội dung liên quan là:


Ở bước này thì không có cách nào để đi nhanh ngoài việc bạn làm hết các bài tập đó. Kinh nghiệm của mình là:

- Đọc câu hỏi xong hãy đọc liền bài giải, vì bạn chỉ mới nắm được sơ sơ kiến thức từ passcard hay notes thôi nên đừng tốn thời gian suy nghĩ câu trả lời (vẫn khuyến khích các bạn suy nghĩ vì mình học để lấy kiến thức chứ không phải học để thi đậu :v).
- Chỉ đọc những câu liên quan đến topic đang học, ví dụ câu b) bài 49 hỏi về "shareholder influence", mình thấy không liên quan lắm nên note lại là trong bài 49 này mình chưa đọc câu b), mình sẽ làm câu này ở topic khác.
- Trong lúc đọc, cố gắng gạch chân những ý chính, những câu đã được sách bôi đậm, những câu viết bạn thấy hay để chém gió trong bài thi, bước 3 bạn sẽ cần đến những chỗ này.

Hết ngày thứ nhất, mình đã làm xong hết các bài tập liên quan đến topic mình muốn học hôm nay. Cụ thể hôm nay mình đã dành ra: 15' đọc passcard, 2.5 giờ cho việc đọc hết các bài tập.

Bước 2: Trong những bài tập đã làm của topic đó, chọn ra các bài tập "điển hình" nhất và làm lại lần thứ hai

Ngày thứ hai bạn sẽ chưa học topic mới liền mà sẽ học lại topic cũ, đây là lúc bạn thực hiện repetition.
Phương pháp này đơn giản là việc bạn repeat lại những gì bạn đã học càng sớm thì não bạn sẽ nhớ càng lâu (xem hình minh họa). Cho nên đừng vội học topic mới liền vì bạn sẽ có rủi ro là quên liền topic mới học ngày hôm trước đó.

Bạn hãy dành ra khoảng 30' để lướt sơ các bài bạn đã làm hôm qua, rồi chọn ra những bài tập "điển hình", "điển hình" ở đây có thể là:

- Câu hỏi lí thuyết đơn thuần. Bằng cách đọc câu hỏi này bạn không cần phải đọc passcard hay note nữa.
- Câu hỏi chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong các bài, đó sẽ là một dạng bài có thể sẽ hỏi.
- Câu hỏi mà bạn cho rằng bạn cần phải đọc lại nhiều lần mới hiểu.

Bằng cách này, bạn sẽ tự loại ra được những câu hỏi trùng lặp, chỉ đánh dấu những câu hỏi khác biệt nhau hoàn toàn mà thôi, nhờ đó có thể giảm số lượng bài tập cần xem trong lần thứ hai.

Bây giờ bạn có thể lặp lại bước một cho topic mà bạn chọn học ngày hôm nay.

Bước 3: Từ những bài tập "điển hình", soạn bài giải mẫu 

Bước này bạn thực hiện tiếp theo sau một tuần hoặc sớm hơn nhằm tăng khả năng ghi nhớ. Thực ra ở bước này bạn chỉ ghi lại những ý chính bạn đã gạch chân ở bước 1 thôi. Ví dụ với dạng câu hỏi này thì mình sẽ viết những ý như vầy như vầy, dạng bài tập này mình sẽ lấy số liệu ở đây ở kia. Đây là lúc bạn luyện tập kĩ năng viết của mình, nhưng ráng đừng sa đà vào việc viết lại hết bài giải mà chỉ viết ra những ý chính quan trọng thôi nhé. Thú thực là trong quá trình tự học môn P, mình chưa bao giờ viết một bài cho hoàn chỉnh, chủ yếu là gạch chân + viết lại những câu đã gạch chân để ghi nhớ thôi.

Bước này sẽ mất của bạn khoảng 1 - 2 giờ.

Bước 4: Ghi nhớ bài giải mẫu

Đây là giai đoạn nước rút trước khi thi, bạn đừng coi bài tập trong sách nữa mà hãy xem lại những bài giải mẫu mình đã soạn trước đó (trường hợp bạn không soạn thì có thể coi lại trong sách cũng được). Trong giai đoạn này, sẽ có những chỗ bạn không hiểu tại sao lại như vậy bla bla, lúc này bạn đừng ráng tìm hiểu thêm mà hãy bỏ qua những chỗ đó đi.

Chẳng hạn như mình học môn P2 - Corporate Reporting, có những vấn đề mà đọc đi đọc lại mình vẫn không hiểu, lúc đó mình quyết định là sẽ không ráng hiểu nữa. Mình soạn một bài giải mẫu, với dạng câu hỏi này mình sẽ viết như vầy như vầy, số liệu/dữ kiện sẽ lấy như vầy như vầy. Nên trong đợt thi P2, đề ra trúng topic mình chẳng hiểu gì (T_T), mình chỉ nhớ cách giải theo kiểu học vẹt như đã soạn sẵn nên may mắn mình vẫn có thể viết được.

Cách học của mình chỉ là vậy thôi, cũng chẳng có gì là mới mẻ phải không, chỉ đơn giản là mình cố gắng hệ thống lại cách học một cách khoa học hơn thôi, hi vọng có thể giúp ích cho các bạn. Trước khi kết thúc bài viết thì mình có một số lưu ý là:

- Một số môn trang topic index làm rất sơ sài, chỉ ghi vài topic lớn, gặp trường hợp như vậy bạn cố gắng note ra những topic con bên dưới và những bài tập tương ứng nhé.

- Nên dành một ngày soạn từng câu hỏi trong past exam và xếp chúng vào từng topic tương ứng.

- Trong trường hợp bạn chỉ còn rất ít thời gian để học thì hãy nhảy cóc từ bước 1 sang bước 2, tức là soạn trước những câu "điển hình" rồi chỉ học những câu đó thay vì học hết tất cả các câu trong sách.

- Cách học này không phải là "one size fits all", mỗi bạn sẽ có một cách học khác nhau mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. Mình cũng không chịu trách nhiệm nếu bạn học theo cách này nhưng vẫn fail TvT.

- Bạn nào học CPA Aus thì có tham khảo cách học của thằng bạn mình - thím Lê Minh tại đây.

- Một mẹo nhỏ để học trong những lúc bạn bị xì trét, bị áp lực công việc,... nên không muốn học. Cứ thử tưởng tượng ngày bạn qualified thì bạn sẽ như thế nào, bạn sẽ không còn áp lực học hành nữa, bạn sẽ tự tin hơn khi đi phỏng vấn, bạn sẽ tha hồ đi du lịch,... Mình lúc đó chỉ tưởng tượng cảnh ba và hai bà mẹ của mình sẽ vui như thế nào khi thấy ngày mình suit up bước lên nhận bằng, đó là động lực lớn nhất của mình lúc đó.


Bài tiếp theo, mình sẽ viết về vài mẹo nhỏ để học tốt hơn, không chỉ là học ACCA nhưng còn có thể áp dụng để học những môn khác nữa.



Start typing and press Enter to search